Thôi thì dù lười, nhưng mình vẫn cố viết 1 bài về trải nghiệm leo núi Phú Sĩ mùa hè của riêng Nhật Ký Rong Chơi vậy. Hy vọng sẽ giúp các bạn Việt Nam có động lực để chinh phục thử thách này hơn.
Cung đường cao vời vợi không thấy đích đến đâu cả |
Chọn đúng đường và đúng thời điểm
Núi Phú Sĩ nổi tiếng khắp thế giới với hình ảnh tuyết phủ trên đỉnh núi. Chính vì vậy mà bất chấp thời tiết ở đồng bằng có như cái lò hay không thì rất có thể trên đỉnh núi là nhiệt độ âm. Đó là lý do mà các đường leo Phú Sĩ chỉ mở cửa trong hai tháng nóng nhất của Nhật Bản: Tháng 7 và tháng 8. Tuy nhiên, tuỳ từng đường leo mà thời gian mở có thể khác nhau, chẳng hạn như năm nay (2018), Yoshida trail mở từ ngày 1/7 – 10/9 nhưng các đường khác thì đến ngày 10/7 mới mở. Để an toàn, bạn nên chừa lịch khoảng cuối tháng 7 hoặc trong tháng 8 là được.
Thời gian để leo núi Phú Sĩ mùa hè thường dao động từ 6 – 10 giờ, tuỳ đường leo và khả năng leo của bạn. Phú Sĩ được chia thành 10 trạm. Thông thường, những người tham gia leo núi sẽ bắt đầu từ trạm 5 của mỗi đường.
Đường leo thật "dễ" đó mà |
Để leo Phú Sĩ, có 4 đường cho bạn lựa chọn:
- Yoshida trail:
- Xuất phát từ: Fuji-Subaru Line 5th Station ở độ cao 2.300 mét.
- Chiều dài: 7.5km
- Thời gian leo dự kiến: Khoảng 5 – 7 giờ.
- Đây là chặng dễ và có nhiều người leo nhất.
- Subashiri trail:
- Xuất phát từ Subashiri Trail 5th Station ở độ cao 2.000 mét.
- Chiều dài: 7.8km
- Thời gian leo dự kiến: 5 – 8 giờ.
- Đến trạm 8, Subashiri trail sẽ hợp nhất với Yoshida trail thành 1 đường lên đỉnh núi.
- Xuất phát từ Gotemba Trail New 5th Station ở độ cao 1.400 mét
- Chiều dài: 11km
- Thời gian leo dự kiến: 7 – 10 giờ.
- Đây là chặng có ít người leo nhất mỗi năm.
- Xuất phát từ Fujinomiya Trail 5th Station ở độ cao 2.400 mét
- Chiều dài: 5km
- Thời gian leo dự kiến: 4 – 7 giờ.
- Đây là chặng ngắn nhất nhưng cũng dốc và khó nhất.
Thời gian dự kiến được ước tính với những người khoẻ mạnh, bạn có thể cộng thêm 2 – 3 giờ nếu là người không thường xuyên tập thể dục hay vận động nhưng vẫn muốn lết lên núi.
Bình minh trên mặt hồ |
Lộ trình lý tưởng sẽ là khoảng 7 giờ tối xuất phát tại trạm 5, vừa leo vừa nghỉ để 4 giờ sáng hôm sau lên đến đỉnh núi ngắm bình minh (với điều kiện hôm đó có bình minh).
Lộ trình rùa bò và an toàn dành cho những ai không tự tin vào khả năng của bản thân thì có thể xuất phát từ 4 giờ chiều (như bọn mình), sau đó đến trạm 8 – 8.5 vào khoảng 10 giờ tối. Sau đó nghỉ lại tại nhà trọ rồi đến 2 giờ sáng bò dậy leo tiếp (yên tâm, nhân viên nhà trọ sẽ gọi bạn dậy).
Bộ dạng khi bị gọi dậy lúc 2 giờ sáng ở trạm 8.5 |
Nhà trọ trên Yoshida trail khá nhiều, kéo dài từ trạm 7 đến 8.5. Tuy nhiên, cho khách quốc tế đặt chỗ trước thì lại chỉ có 2 nhà thôi. Nếu bạn có bạn bè bên Nhật thì có thể nhờ họ đặt dùm để tránh việc không có chỗ nghỉ nhé. Giá của mỗi nhà trọ sẽ từ 6.000 yen – 8.000 yen/người tuỳ nơi, và trong nhà trọ bạn sẽ chui vào 1 cái túi ngủ chứ không phải phòng ở đâu nhé.
Phú Sĩ có độ cao 3.776 mét, vì vậy vấn đề không khí loãng là không thể tránh khỏi. Đoạn đường từ trạm 5 đến trạm 8 khá dễ thở - theo nghĩa đen. Nhưng từ trạm 8.5 trở đi bạn sẽ trải nghiệm thế nào là không khí loãng, đi vài bước lại phải dừng lại thở một lần. Ngoài ra, Phú Sĩ là núi lửa, vì vậy hầu hết đất đá trên lối đi lên Phú Sĩ đều rất xốp, mềm và trơn. Chính vì vậy bạn cần cẩn trọng với bước chân của mình kẻo trượt ngã.
Chuẩn bị đồ vác lên núi
Hành trình sẽ suôn sẻ nếu bạn chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là với chuyến đi hành xác như Phú Sĩ.
Bạn sẽ cần chuẩn bị những hành trang cho chuyến leo núi Phú Sĩ mùa hè như sau:
- Trang phục:
- Một đôi giày tốt, đế mềm, có độ bám
- Một bộ quần áo giữ nhiệt + 1 chiếc áo ấm dày có khả năng chắn gió và chống nước + quần nhanh khô, không thấm nước.
- Dụng cụ leo núi:
- Gậy leo núi: 1 – 2 chiếc (tuỳ khả năng)
- Mũ/nón
- Găng tay
- Xà cạp (dùng để bao cổ chân, ngăn không cho đất đá lọt vào trong giày)
- Đèn pin đội đầu + pin/sạc
- Balo có đai trợ lực ở hông
- Quần áo mưa: Nên chọn loại quần áo để dễ hoạt động.
- Kem chống nắng: Dù không nắng cũng phải bôi vì tia UV trên núi rất kinh khủng.
- Bình oxy: Có thể không dùng đến nhưng cứ đem theo, nó nhẹ lắm.
Đường leo sẽ có những đoạn như thế này, giày không tốt là trượt đó |
- Đồ ăn nước uống:
- Kẹo ngọt (càng ngọt càng tốt): 4 thanh
- Nước (ion): 4 chai = 2 lít (hoặc căn cứ theo mức độ uống nước của mình, Phú Sĩ lạnh nên không ra mồ hôi nhiều).
Hầu hết các thứ này đều có bán tại các cửa hàng ở trạm 5, bạn có thể chuẩn bị trước hoặc chỉ cần mang tiền đến đề mua (và giá khá chát… thiệt).
Với gậy leo núi, tại cửa hàng ở trạm 5, người ta có bán những cây gậy gỗ. Bạn có thể mua cây gậy này để làm kỷ niệm bởi mỗi nhà trọ trên đường leo đều có con dấu riêng. Họ sẽ in con dấu đó (dấu bằng sắt nung nhé) lên gậy nếu bạn muốn. Giá thông thường sẽ là 300 yen/1 dấu, 500 yen/2 dấu nha.
Leo như thế nào?
Đối với các bạn đã có kinh nghiệm leo núi thì có thể bỏ qua phần này. Đây là hướng dẫn cho những ai không thường xuyên leo hoặc ít vận động nhưng lâu lâu lại muốn nhoi (như mình).
Cứ lết đi, rồi sẽ tới thôi. Sau lưng là miệng núi lửa Phú Sĩ đó |
Bạn cần chú ý đến các nguyên tắc sau:
- Đi theo khả năng của mình: Đường leo tính theo kilomet nên bạn có vội vàng cũng không làm chặng đường ngắn lại mà chỉ tổ tốn sức.
- Thở đều, nhẹ và sâu theo nhịp bước chân: Mỗi người sẽ có nhịp thở riêng, bạn có thể điều chỉnh từ từ để tìm ra nhịp của mình. Chẳng hạn như mình thường hít vào khi nhấc chân và thở ra khi đặt chân xuống và bước.
- Giữ thẳng đầu gối: Phú Sĩ là 1 ngọn núi, vì vậy đường leo hầu hết là những đoạn zic zac có độ dốc cao. Bạn nên giữ thẳng đầu gối mỗi khi kết thúc một bước chân, điều này làm đầu gối đỡ mỏi rất nhiều.
- Uống từng ngụm nước nhỏ với lượng vừa phải: Phú Sĩ khá lạnh, vì vậy bạn sẽ ra rất ít mồ hôi. Nếu uống quá nhiều nước thì bạn buồn tè thôi chứ cũng không còn đường thoát nào cả. Đi tè trên Phú Sĩ là 200 yen/lần đấy nhé.
- Cấp đường khi cần thiết: Đường là thứ làm sản sinh năng lượng nhanh nhất. Bạn cần ăn kẹo mỗi khi cần thiết. Có thể bạn sẽ không thấy đói đâu, nhưng 2 – 3 giờ hãy ăn 1 thanh kẹo để có sức mà… lết.
Bảng chỉ dẫn trên đường |
Đối với Yoshida trail, đường leo có những bảng chỉ dẫn khá cụ thể, đồng thời có dây chắn và mũi tên chỉ hướng để bạn không đi lạc. Bạn chỉ cần đi theo hướng mũi tên thì chắc chắn sẽ đến nơi. Với các trail khác thì mình chưa leo nên không chắc lắm.
Một điều rất quan trọng khác là tinh thần thoải mái khi leo núi. Điều này rất quan trọng để bạn không thấy nản, mệt hay muốn bỏ cuộc. Hãy luôn thoải mái, tích cực, giữ tinh thần tốt để có động lực đi tiếp. Những câu than thở kiểu như “Tại sao mình lại ở đây?”, “Muốn đi xuống quá!”, “Mệt quá!”,... không làm tan biến mệt mỏi của bạn đâu.
Đỉnh núi Phú Sĩ có gì dzui hông?
Thiệt ra thì HÔNG ~ Trên trạm 10 – đỉnh núi Phú Sĩ có trạm nghỉ, đền, miệng núi lửa và tầm nhìn xuống Yamanashi và Shizuoka.
Trên thực tế, với mỗi hành trình mà mục tiêu là chinh phục thì trải nghiệm sẽ là đường đi chứ không phải là đích đến. Khi leo đến đỉnh núi, bạn có thể đi tiếp một vòng quanh miệng núi lửa Phú Sĩ, phóng tầm mắt ra xa từ độ cao 3.776 mét, tận hưởng cái lạnh tê người và ngắm bình minh (nếu có).
Đồng thời, nếu bạn là người ít vận động thì hãy chuẩn bị cho cơn đau toàn thân hoặc từ đùi trở xuống khi thức dậy vào ngày kế tiếp khi trở về từ Phú Sĩ nhé.
Chúc bạn leo dzui.
-------------
-------------
P/S 1: Bạn nhớ tham khảo website chính thức của Phú Sĩ tại đây nếu có ý muốn leo Phú Sĩ.
P/S 2: Điều mình thấy ngạc nhiên nhất khi leo núi Phú Sĩ mùa hè chính là những người leo. Ngoài số đông là người Nhật thuộc mọi lứa tuổi (cả trẻ em lẫn người già), một số ít là khách du lịch Âu - Mỹ thì phần còn lại là khách du lịch Trung Quốc. Mình vẫn cho rằng các gia đình Trung Quốc sang Nhật để thăm thú các thành phố lớn, các khu mua sắm chứ không phải là đến nơi vắng vẻ, xa xôi như Phú Sĩ để thử thách bản thân mình.
Không có nhận xét nào:
BÌNH LUẬN